Trung Dân ra Bắc đóng hài Tết
Thứ năm, 21 Tháng 11 2019 16:03
Tuấn Bình
Nghệ sĩ Trung Dân vào vai quan phủ
tham lam, là một trong hai nghệ sĩ miền Nam góp mặt trong phim 'Giấc
mộng quan trường' của đạo diễn Linh Đồng.
Phim hài Giấc mộng quan trường khởi quay hôm 4/11 tại làng cổ
Đường Lâm, lấy bối cảnh làng quê Việt Nam xưa, với những câu chuyện xoay
quanh chủ đề mua quan bán chức. Trung Dân từ TP HCM ra Hà Nội đúng ngày
bấm máy rồi vội vàng về nhà để kịp tổ chức hôn sự cho con gái hôm 9/11.
|
Nghệ sĩ Trung Dân (giữa) trong một cảnh phim. |
Đây không phải lần đầu Trung Dân ra Bắc đóng phim hài, nhưng với mỗi
kịch bản, ông đều cảm nhận sự mới mẻ và thú vị. "Tôi đóng vai tên tri
phủ khôn lỏi, trục lợi từ tham vọng thăng tiến của lý trưởng và quan
huyện", nghệ sĩ chia sẻ với Ngoisao.net. Trong mỗi hoạt cảnh,
theo nghệ sĩ, lời thoại thâm thúy cùng biểu cảm hài hước của từng nhân
vật sẽ là yếu tố gây cười cho khán giả.
Đạo diễn Linh Đồng chia sẻ nghệ sĩ Trung Dân là mảng màu lạ trong bức
tranh hài miền Bắc dịp Tết. Anh không gặp khó khăn khi làm việc với ông
mà đề nghị ông giữ nguyên giọng nói, phong cách. "Tôi muốn chú Dân thể
hiện nét duyên sẵn có một cách tự nhiên nhất thay vì điều chỉnh dẫn đến
khiên cưỡng. Giải thích cho việc một, hai nhân vật nói giọng Nam giữa
dàn vai giọng Bắc, có thể hiểu ông quan này được điều từ miền trong ra
miền ngoài nhậm chức", Linh Đồng bảo.
Ý tưởng phim Giấc mộng quan trường được Linh Đồng thai nghén từ
Tết năm ngoái. Vì một số lý do, Tết năm nay, anh mới lên kế hoạch triển
khai thực hiện. "Kịch bản được viết và sửa rất nhiều lần, cho đến cuối
tháng 9 mới chính thức hoàn thiện. Tôi chọn gửi trước cho một số diễn
viên đọc, thật bất ngờ, ai cũng tấm tắc khen hay", đạo diễn nói.
Lấy cảm hứng từ xã hội Việt Nam xưa, phản ánh những vấn đề nổi cộm trong
năm 2019, Linh Đồng lồng ghép nội dung và cách thể hiện sao cho hợp
thời sự nhưng vẫn hài hước, dí dỏm. "Tôi và biên kịch đều kỳ vọng những
chi tiết như thói hư tật xấu của quan chức phong kiến, tính sợ vợ, tật
xu nịnh... dù không mới vẫn đủ để khiến người xem cười", anh chia sẻ.
|
Đạo diễn Linh Đồng (phải) bên diễn viên Thanh Hương. |
Lời thoại đa nghĩa được xây dựng kỳ công, qua đó, Linh Đồng muốn khán
giả cười to khi xem nhưng về sau càng suy nghĩ càng thấm thía. Cái kết
có hậu khi những kẻ tham lam, độc ác bị trừng trị. Bộ phim gửi thông
điệp: "Đừng mất niềm tin vào những điều tốt đẹp nhưng thận trọng trước
vòng xoáy vụ lợi mà bước qua ranh giới trắng - đen".
Đạo diễn 8X cùng êkíp gặp khó khăn trong nhiều công đoạn thực hiện bộ phim.
Dòng phim dân gian đòi hỏi bối cảnh chân thực, đạo cụ phức tạp mà một
số không thể mua hay thuê, mượn. "Chúng tôi phải tự tay dựng lên nhiều
chi tiết và chịu áp lực vì phải làm cho đẹp và giống", Linh Đồng nói.
Anh và đoàn phim đã chung tay dựng phiên chợ quê trong vòng một đêm để
kịp ghi hình đúng tiến độ.
Về lý do chọn hài dân gian - thể loại phim kinh phí lớn và kén người xem
- để thực hiện, đạo diễn bộc bạch: "Làm phim dân gian tốn kém nhưng nếu
vì tiếc tiền mà sản xuất hài nhảm thì thành phẩm chẳng có ý nghĩa gì.
Hài dân gian kén người xem nhưng có lượng khán giả trung thành nhất
định. Tôi tin họ đã xem sẽ nhớ mãi vì tâm đắc sự văn minh, những bài học
ý nghĩa và tiếng cười thâm thúy trong từng lời thoại".
Bên cạnh sự xuất hiện của nghệ sĩ Trung Dân, bộ phim quy tụ dàn diễn
viên được yêu mến như NSND Tiến Đạt, nghệ sĩ hài Giang Còi, nghệ sĩ Trà
My; một số gương mặt trẻ bao gồm Trọng Lân (Người phán xử), "Lan cave"
Thanh Hương... Bộ phim được thực hiện trong một tuần với nhiều địa điểm
quay, dự kiến ra mắt dịp Tết năm 2019.
Lam Trà
Thành Lộc, Mỹ Uyên khóc tiễn NSƯT Thanh Hoàng
Chủ nhật, 29 Tháng 7 2018 11:12
Tuấn Bình
Ông Tư của "Dạ cổ hoài lang" cùng các đồng nghiệp... tề tựu ở tang lễ cố nghệ sĩ vào sáng 29/7, tại TP HCM.
|
NSƯT Thành Lộc thắp nén hương tiễn biệt đồng nghiệp. Thành Lộc là một
trong những người bạn thân thiết với Thanh Hoàng sau khi cả hai hợp tác
trong vở "Dạ cổ hoài lang"
do cố nghệ sĩ viết kịch bản, Công Ninh đạo diễn. Ở tác phẩm sân khấu
kinh điển này, Thành Lộc vào vai Tư Lành, ông lão xa xứ vẫn một lòng
hoài nhớ quê hương. |
|
Nghệ sĩ Thành Hội của sân khấu Hoàng Thái Thanh. |
|
NSƯT Mỹ Uyên túc trực bên tại tang lễ nghệ sĩ Thanh Hoàng những ngày
qua. Giám đốc sân khấu nhỏ 5B là một trong những đồng nghiệp nhiều gắn
bó với Thanh Hoàng. Cả hai từng trải qua những ngày tháng gian khó ở nhà
hát, đóng cùng nhau hàng chục vở. |
|
Nghệ sĩ Hữu Nghĩa từng là đàn em của Thanh Hoàng ở trường Sân khấu Điện ảnh 2 (nay là đại học Sân khấu Điện ảnh TP HCM). |
|
Nghệ sĩ Tuyết Thu và đàn anh từng diễn chung nhiều vở ở 5B Võ Văn Tần. Chị thương Thanh Hoàng ra đi vẫn còn nặng lòng về người vợ và hai con đang học hành dang dở. |
|
NSƯT Lương Mỹ học dưới Thanh Hoàng một khóa trong khoa Diễn viên, trường Sân khấu Điện ảnh 2. |
|
Đạo diễn Phương Điền (phải) bên NSƯT Thanh Thúy - người đọc điếu văn trong tang lễ. |
* Thanh Thúy nghẹn ngào đọc điếu văn đưa tiễn NSƯT Thanh Hoàng
|
NSƯT Phi Điểu. |
|
Diễn viên Cao Thái Hà từng đóng chung nhiều phim với cố nghệ sĩ. Cô hay gọi anh bằng "tía", xưng là "con". |
|
Nhiều đồng nghiệp, học trò bật khóc khi linh cữu nghệ sĩ Thanh Hoàng về
thăm "mái nhà xưa" 5B Võ Văn Tần trước khi được đưa đến đài hỏa táng ở
Bình Hưng Hòa. Gia đình dự tính đưa di cốt của nghệ sĩ lên một ngôi
chùa. |
Mai Nhật
Ảnh: Khang Thái
|
Hoài Linh được đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT
Thứ tư, 01 Tháng 4 2015 09:21
Tuấn Bình
(NLĐO) – UBND TP HCM vừa thông báo kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lần 8 – năm 2015, danh hài Hoài Linh (tên thật là Võ Nguyễn Hoài Linh – diễn viên kịch nói thuộc Sân khấu kịch Nụ Cười Mới), có tên trong danh sách 25 cá nhân đạt danh hiệu NSƯT.
Đây là trường hợp đầu tiên một nghệ sĩ hải ngoại được đề
nghị xét tặng danh hiệu NSƯT. Trước thông tin này, danh hài Hoài Linh
cho biết: "Tôi thật sự xúc động khi nhận được tin này. Đây là niềm vinh
dự lớn cho một nghệ sĩ hải ngoại quay về quê hương phục vụ khán giả như
tôi. So với sự cống hiến của nhiều anh chị em nghệ sĩ khác, tôi thấy
mình còn mới mẻ, chưa nhiều thành tựu. Nhưng được UBND TP HCM tín nhiệm,
đề cử này cũng là niềm hạnh phúc, tiếp thêm lửa yêu nghề để tôi tiếp
tục phấn đấu không ngừng cho nghề nghiệp cũng như công tác đào tạo, dìu
dắt các diễn viên trẻ khác".
Nghệ sĩ Hoài Linh phát biểu nhận giải tại Mai Vàng 2014
Nhận giải từ NSND Hồng Vân
Hoài Linh nói thêm rằng anh sẽ tiếp tục nỗ lực để có nhiều
vai diễn hay hơn, mang niềm vui đến cho nhiều đối tượng khán giả, trong
đó có khán giả công nhân mà anh nhiều lần phục vụ sau những lần đoạt
Giải Mai Vàng. Theo Hoài Linh, giải thưởng Mai Vàng bao năm qua là nguồn
động lực to lớn để anh nỗ lực làm nghề.
NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc thành viên Hội đồng Xét tặng
danh hiệu NSND, NSƯT tại TP HCM cho biết: "Đây là trường hợp đầu tiên
một nghệ sĩ hải ngoại được đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT. Ý kiến của
tất cả thành viên hội đồng bình chọn đều tán thành vì sự đóng góp của
Hoài Linh cho quê hương rất đáng ghi nhận. Danh hiệu này là món quà mà
quê hương dành tặng cho anh, là tình cảm mà công chúng dành cho những cố
gắng của người nghệ sĩ mang tiếng cười đến cho mọi nhà. Cá nhân tôi
nhận thấy Hoài Linh trưởng thành hơn và nghiêm túc hơn với nghề. Dù
không qua trường lớp đào tạo, không có bằng cấp nào cả nhưng anh rất
tinh tế trong đánh giá, nhận xét về chuyên môn, vừa có tính học thuật
vừa có kinh nghiệm thực tiễn của một nghệ sĩ dày dạn trong nghề. Theo
tôi, Hoài Linh xứng đáng được nhà nước xét tặng danh hiệu NSƯT đợt này".
Hoài Linh đã đoạt nhiều Giải Mai Vàng tính từ năm 2006 đến
nay. Đặc biệt, nghệ sĩ này hai lần đoạt cú đúp giải thưởng vào năm 2009
và 2011, một kỷ lục Giải Mai Vàng chưa có nghệ sĩ nào đạt được. Trong
đó, năm 2006, Hoài Linh chiến thắng hạng mục Nghệ sĩ hài vai ông Sáu
Bảnh trong vở Ra giêng anh cưới em. Năm 2007, nghệ sĩ này tiếp tục giành
giải hạng mục Nghệ sĩ hài với vai ông Năm – vở Người nhà quê.
Sang năm 2009, Hoài Linh được vinh danh hạng mục Nam diễn
viên kịch nói vai ông Tư trong vở Dạ cổ hoài lang và Diễn viên hài vai
bà thầy bói trong vở CLB Quý bà. Năm 2010, Hoài Linh lại thắng lợi hạng
mục Diễn viên hài vai ông ngoại, vở Ông ngoại, bà nội. Năm 2011, Hoài
Linh lại lập cú đúp diễn viên hài được yêu thích nhất và nam diễn viên
sân khấu được yêu thích nhất. Năm 2012, nghệ sĩ này lại chiến thắng hạng
mục Diễn viên hài nhờ vai cậu Út vở Anh chàng giả gái – Sân khấu Kịch
Nụ cười mới. Năm 2013, Hoài Linh vẫn vững phong độ với chiến thắng hạng
mục Nam diễn viên sân khấu nhờ vai Tài vở Cưới liều. Và năm 2014, Hoài
Linh tiếp tục được vinh danh với hạng mục Diễn viên hài được yêu thích
nhất. Anh cũng được vinh danh với giải Mai Vàng thành tựu 20 năm nhân kỷ
niệm Mai Vàng 20 năm.
Kết quả xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) của UBND TP HCM
Theo đó, có 2 cá nhân đạt danh hiệu NSND gồm: ông Đặng Văn Hùng và bà Đoàn Vương Linh cùng là Nghệ sĩ ưu tú, Biên đạo múa.
25 cá nhân đạt danh hiệu NSƯT ngoài Hoài Linh gồm: Lê Văn Diện (Trường Sơn), diễn viên sân khấu cải lương, nhóm Vũ Luân; Trương Minh Quốc Thái, diễn viên, Hội Điện ảnh TP; Hồ Văn Thành, nhạc sĩ, chỉ đạo nghệ thuật, Đoàn Xiếc TP (đã nghỉ hưu); Nguyễn Minh Trang, diễn viên, nghệ sĩ tự do; Lương Văn Bình (Vũ Luân), diễn viên cải lương, Hội Sân khấu TP; Liễu Thị Tuyết Thu, diễn viên kịch nói, Hội Sân khấu TP; Ngô Phạm Hạnh Thúy, diễn viên, đạo diễn, Hội Sân khấu TP; Nguyễn Hoàng Vinh, diễn viên, Phòng Nghệ thuật – Sở Văn hóa và Thể thao; Lê Thị Thanh Thúy, diễn viên, Công ty TNHH Nghệ thuật giải trí Thiên Phúc; Phạm Văn Giữ (Minh Minh Tâm), diễn viên cải lương, Nghệ sĩ tự do;
Trịnh Kim Chi, diễn viên, Sân khấu kịch Hồng Vân; Trần Thị Thu Hương (NS Quỳnh Hương), diễn viên, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang; Lê Văn Tứ (Lê Tứ), nghệ sĩ, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang; Đoàn Thị Băng Tuyền (NS Lam Tuyền), diễn viên, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang; Lê Tú Sương (NS Tú Sương), diễn viên, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang; Lê Thị Hồng Thắm (NS Lê Hồng Thắm), diễn viên, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang; Phạm Thị Mỹ Hằng (NS Mỹ Hằng), diễn viên, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang; Đặng Linh Nga, diễn viên múa, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen; Giang Quốc Nghiệp, diễn viên Xiếc, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam; Lưu Thị Bích Liên, diễn viên Xiếc, Nhà hát nghệ thuật Phương Nam; Huỳnh Thanh Trang, diễn viên, Nhà hát nghệ thuật Hát bội; Phan Hồng Sơn, chỉ đạo nghệ thuật; Vũ Thành Vinh, đạo diễn, Trung tâm sản xuất chương trình – Đài Truyền hình TP; Nguyễn Hoàng, đạo diễn, Hãng phim truyền hình Thành phố.
Đặt lòng tốt đúng chỗ
Thứ sáu, 28 Tháng 3 2014 08:40
Tuấn Bình
Sau khi Báo Người Lao Động đăng bài viết về nghệ sĩ Hoàng Lan: “Tận cùng đớn đau, cô độc” (số ra ngày 23-3-2014), nhiều đồng nghiệp, khán giả đã chung tay giúp đỡ tiền để chị chữa bệnh; số tiền hiện lên đến gần 100 triệu đồng.
Đêm
nhạc giúp đỡ nghệ sĩ Hoàng Lan do ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng tổ chức sẽ diễn
ra lúc 20 giờ ngày 29-3 tại phòng trà Không Tên (112 Lê Thánh Tôn,
phường Bến Thành, quận 1, TP HCM) với sự tham gia của Lệ Quyên, Hồng
Vân, Dương Triệu Vũ, Trấn Thành, Quốc Thiên, Cẩm Vân, Trọng Khương, Xuân
Nghi, Gia Bảo, NSƯT Hồng Nga... sẽ dành toàn bộ số tiền phụ thu của mỗi
khán giả (600.000 đồng/người) và những đóng góp trực tiếp trong đêm
nhạc sẽ được chuyển đến nghệ sĩ Hoàng Lan. Trong chương trình này, các
nghệ sĩ không những diễn không thù lao mà họ còn kêu gọi các mạnh thường
quân đóng góp thêm để giúp nghệ sĩ Hoàng Lan.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đến thăm và tặng 50 triệu đồng cho nghệ sĩ Hoàng Lan Ảnh: MINH MINH
Trước khi đêm
nhạc diễn ra, chiều 26-3, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã đến thăm và trao tặng
50 triệu đồng cho nữ nghệ sĩ này. Đây là số tiền do ban tổ chức đêm nhạc
của Đàm Vĩnh Hưng quyên góp được. Trước đó, khi nghe thông tin nghệ sĩ
Hoàng Lan mang nhiều trọng bệnh không tiền uống thuốc, đặc biệt là mắt
phải của chị gần đây bị tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào, cườm mắt..., nếu
không mổ kịp thời sẽ có nguy cơ bị mù, ca sĩ - diễn viên Nhật Kim Anh,
diễn viên Ngọc Lan, diễn viên Mạc Anh Thư... cùng nhiều nghệ sĩ khác đã
kêu gọi đồng nghiệp quyên góp giúp chị. Nghệ sĩ Hoàng Lan xúc động nói:
“Sau khi bài báo đăng, rất nhiều nghệ sĩ, khán giả gọi điện đến hỏi thăm
sức khỏe. Có những khán giả ở tận Cần Thơ, Bạc Liêu, Tiền Giang... tìm
đến nhà để tặng bánh, sữa, trái cây. Thậm chí, các em sinh viên cũng đến
hỏi thăm sức khỏe nữa!”. Hoàng Lan từng bảo rằng dù cuộc đời bất hạnh
nhưng chị vẫn hạnh phúc hơn nhiều người bởi khi ốm đau bệnh tật, chị vẫn
nhận được sự quan tâm, sẻ chia, động viên của rất nhiều người. Chính
điều đó làm cho người nghệ sĩ như chị cảm thấy ấm lòng, phần nào vơi bớt
nỗi đớn đau, cô độc.
Không riêng trường hợp nghệ sĩ Hoàng Lan, trường hợp nghệ sĩ Thụy
Mười cần tiền để mổ tim, ca sĩ Wanbi Tuấn Anh (đã qua đời) cần tiền để
chữa trị mù mắt, nghệ sĩ Thanh Thế đang điều trị tim mạch tại Bệnh viện
115... cũng đều được đồng nghiệp, công chúng quan tâm, giúp đỡ hết lòng.
Nhật Kim Anh nói rằng khi đến thăm nghệ sĩ Hoàng Lan, chị nhận ra
rằng còn rất nhiều người khó khăn, cần giúp đỡ mà lâu nay mọi người vô
tình bỏ quên. Đơn giản vì họ không than nghèo kể khổ, không kêu ca để
báo chí, truyền thông biết đến. Thật vậy, trái ngược với nghệ sĩ Nguyễn
Chánh Tín, nghệ sĩ Hoàng Lan chưa bao giờ lên tiếng nhờ cậy giúp đỡ. Khi
bệnh tái phát, chị vẫn gắng gượng đi diễn, đến khi bệnh nặng không đi
được, chị cũng...lặng lẽ nghỉ. Khi báo chí biết tin và chủ động tìm đến,
chị còn thấy ái ngại việc mình lên báo. Chị bảo đó là sự tự trọng của
người nghệ sĩ, đừng bao giờ lấy danh ra để xin xỏ.
Suốt những ngày nổ ra thông tin NSƯT Chánh Tín “sắp mất nhà, phải ra
đường ở”, đồng nghiệp, công chúng đã vận động đóng góp giúp ông gần 600
triệu đồng. Nhưng sau đó, nhiều người thấy chua chát, bẽ bàng khi ông
nói rằng số tiền này chỉ đủ cứu đói, nhất là khi sự thật việc mất nhà
của gia đình ông bị phanh phui thì lòng tốt của mọi người còn bị tổn
thương hơn.
Tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”
là truyền thống của người Việt nhưng lòng tốt đặt đúng chỗ thì mới có ý
nghĩa.
Minh Nga
|