Phát biểu tại hội nghị triển khai công tác năm 2011 của Bộ Nội vụ ngày 12/2, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn một loạt ví dụ thực tế để nhấn mạnh yêu cầu với ngành nội vụ trong việc tham mưu cho Chính phủ về tổ chức bộ máy quản lý nhà nước.
Từ bắp cải đến Vinashin… đều cần ngành nội vụ
Thủ tướng lưu ý ngành nội vụ về tình trạng chồng chéo, trùng lặp, chưa rõ chức
năng nhiệm vụ giữa các bộ, ngành hiện nay. Ngành nội vụ phải coi việc đề xuất
các phương án tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và phân cấp quản lý cho Chính
phủ và các bộ, ngành là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất.
Thủ tướng: Tốc độ đô
thị hóa nhanh, trong khi các “ông” xây dựng, quy hoạch, kiến trúc đều kêu
thiếu tiền lẫn người làm… Ảnh: TC
Thủ tướng dẫn ra nhiều ví dụ về sự nhùng nhằng trong phân định nhiệm vụ. Chẳng
hạn quản lý một con đường đô thị: lòng đường thuộc trách nhiệm của Bộ Giao thông
- Vận tải, lề đường cầu cống lại thuộc trách nhiệm Bộ Xây dựng. “Tôi ở Chính
phủ đến nhiệm kỳ thứ 3 rồi mà vấn đề này vẫn chưa giải quyết được”, ông Dũng
nói.
Trong vệ sinh an toàn thực phẩm cũng vậy. Cây bắp cải khi trồng ở ruộng thuộc
trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp, khi đưa đến bán ở siêu thị thì thuộc thẩm quyền
của Bộ Công thương, khi vào hàng quán được chế biến thành món ăn lại là “địa hạt”
của Bộ Y tế…
Với vấn đề lớn như vụ Vinashin, Thủ tướng phân tích: yếu kém khuyết điểm là
người lãnh đạo cố ý làm trái, không dễ phát hiện; khuyết điểm của người làm chủ
sở hữu và quản lý nhà nước là phát hiện chậm, không đầy đủ, không kịp thời, ngăn
chặn kém hiệu quả.
Tuy nhiên, mỗi bộ, từ Giao thông - Vận tải, Tài chính đến Kế hoạch - Đầu tư đều
chỉ chịu trách nhiệm một “miếng”, một “mảng”. Cuối cùng không ai chịu trách
nhiệm, “Thủ tướng lãnh đủ thôi”, người đứng đầu Chính phủ cho hay. Tới
đây, quản lý doanh nghiệp nhà nước sẽ thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính, Kế
hoạch - Đầu tư hay bộ quản lý ngành, hay lập ra bộ mới…
Trong tương lai, thực tiễn còn đặt ra thêm những đòi hỏi bức xúc mới, ví dụ quản
lý ngành điện khi xây hai nhà máy điện hạt nhân; hay đối phó với biến đổi khí
hậu với các yêu cầu xây đê, đắp đập, trồng rừng đều phải có người làm. Tốc độ đô
thị hóa nhanh đang “biến làng thành phố” mà điện, nước, cầu cống, xử lý rác thải
vẫn chưa theo kịp, "trong khi các 'ông' xây dựng, quy hoạch, kiến trúc đều kêu
thiếu cả tiền lẫn người làm".
Từ những lĩnh vực quản lý còn trùng lặp, đến những lĩnh vực còn “trống” biện
pháp quản lý, những nơi chưa rõ trách nhiệm, những thách thức mới đặt ra, chỗ
nào cần có cơ chế phối hợp các bộ, ngành, chỗ nào cần thành lập cơ quan chuyên
trách mới… Tất cả đều cần đến câu trả lời mà ngành nội vụ là phải đi tìm.
“Đấy chính là ‘cải cách’ lớn nhất, quan trọng nhất mà Thủ tướng và Chính phủ
yêu cầu ngành nội vụ”, ông Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh. Khối lượng công việc
rất lớn nhưng là một bộ đa ngành, đa lĩnh vực, Bộ Nội vụ cần chủ động và quyết
tâm thực hiện.
"Gọi đồng chí khác làm không được"
Cũng bàn về việc tổ chức các bộ đa ngành, đa lĩnh vực, Vụ trưởng Vụ tổ chức biên
chế, Bộ Nội vụ Vũ Văn Thái nêu băn khoăn về hình thức tổ chức các cục, tổng
cục.
Theo ông Thái, nhiều cục, tổng cục và cơ quan tương đương chưa được thành lập
đúng tiêu chí; nhiều đơn vị cấp này chưa thực hiện đúng cơ chế phân cấp trong
việc bổ nhiệm cán bộ; cơ chế quản lý của bộ đối với các cơ quan trước thuộc
Chính phủ nay chuyển về Bộ còn chưa rõ và lúng túng.
Ông Thái cho rằng các cơ quan này (ví dụ Ban Thi đua, Ban Tôn giáo… ) trước đây
hoạt động tương đối độc lập, nay đã nằm trong bộ đa ngành, đa lĩnh vực nhưng vẫn
nhận chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng và các Phó Thủ tướng, đôi khi “lấn lướt” và
“bỏ qua” vai trò của lãnh đạo Bộ, giảm hiệu lực điều hành của Bộ trưởng.
Trước vấn đề này, Thủ tướng thừa nhận ông vẫn có lúc chỉ đạo trực tiếp các đơn
vị này và giải thích đơn giản: “Vì gọi những đồng chí khác làm không được”.
Ông lý giải: Việc thi đua thì phải gọi thủ trưởng Ban Thi đua, việc tôn giáo thì
phải gọi lãnh đạo Ban Tôn giáo, chứ có lần ông đã gọi lãnh đạo Bộ, một vị khác
được cử đi thay “không hề nắm được vấn đề”.
“Trong khi Thủ tướng cần những báo cáo để ra quyết định ngay”, Thủ tướng
nói.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nhấn mạnh nhiệm vụ lớn năm 2011 của Bộ Nội vụ là
tham mưu và làm nòng cốt trong việc triển khai bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp.
Ông nhận định cải cách hành chính, cả về thể chế, tổ chức, cán bộ, tài
chính công…, vẫn còn nhiều điểm nhùng nhằng, chưa rõ ràng, khiến dân và doanh
nghiệp kêu ca.
“Phải có biện pháp khắc phục tình trạng người có năng lực trong hệ thống đang
ngày càng giảm đi”, Thủ tướng nhắc nhở.
Thủy Chung
theo vietnamnet.vn
- 07/03/2011 08:31 - Thời trang, ẩm thực đua khuyến mãi cho chị em
- 01/03/2011 08:38 - Hôm nay, siêu thị tăng giá từ 5% đến 15%
- 28/02/2011 09:18 - Kinh tế vĩ mô đang khó khăn hơn dự báo
- 23/02/2011 11:03 - Giá USD tự do giảm mạnh
- 21/02/2011 08:04 - Chiêu 'găm hàng' của các trạm xăng tại TP HCM
- 08/02/2011 09:29 - Gần 300 người chết vì tai nạn giao thông dịp Tết
- 27/01/2011 08:04 - Mở màn chợ Hoa Tết Tân Mão
- 19/01/2011 10:01 - Ông Nguyễn Phú Trọng đắc cử Tổng bí thư
- 12/01/2011 08:11 - Báo nước ngoài ca ngợi ‘Nhân vật của năm’ Thủ tướn…
- 10/01/2011 14:25 - Thông qua các phương án nhân sự trình Đại hội Đảng…