(VEF.VN) - "Nếu trúng cử ĐBQH thì tôi sẽ tạo 1 văn phòng làm việc riêng bằng tiền của mình để cho người dân đến trình bày nguyện vọng, ý kiến", doanh nhân Lê Kiên Thành chia sẻ.
LTS: Là con trai của cố TBT Lê Duẩn nhưng không theo nghiệp chính trị của cha mà lại "rẽ ngang" làm kinh doanh, giờ lại đang tham gia tranh cử vào Quốc hội khoá XIII, ông Lê Kiên Thành, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần chế biến thực phẩm Thái Minh, đã chia sẻ với Diễn đàn Kinh tế Việt Nam về những trăn trở của một doanh nhân muốn trở thành người đại biểu của nhân dân.
Vững vàng hơn từ thất bại 5 năm trước
- Xin mạn phép hỏi, công việc của một doanh nhân chưa đủ bận hay sao mà ông vẫn muốn "lấn sân" sang chính trị và trở thành đại biểu quốc hội?
Ông Lê Kiên Thành:
Quốc hội là cơ quan đại diện cho nhân dân cho nên sẽ đúng nếu doanh nhân có đại diện trong đó. Vì thế, không nên ngại rằng mình là doanh nhân hay nhà văn lại trở thành đại biểu quốc hội.
Cách đây vài năm, từ trước khi tôi ứng cử ĐBQH khóa trước, cố thủ tướng Võ Văn Kiệt và nguyên tổng bí thư Đỗ Mười đã khuyên tôi là khi đã có kinh nghiệm nhiều trong làm ăn thì nên tham gia vào các cơ quan dân cử để đóng góp một phần gì đó vào sự nghiệp chung chứ không nên chỉ thỏa mãn những việc của riêng mình.
Đấy là những lời khuyên rất chân tình bởi vì tôi vẫn hay nói đùa rằng: tôi chắc không có duyên làm quan chức nhà nước. Các bác lại nói là không làm quan chức được thì làm những việc ở cơ quan dân cử. Đó là những lời động viên đầu tiên cho lần trước tôi tham gia tự ứng cử. (Cách đây 5 năm, ông Lê Kiên Thành đã ứng cử vào Quốc hội nhưng không trúng cử - PV)
Lần này, thực ra ban đầu tôi không có ý định ứng cử nhưng lại được hội doanh nghiệp thành phố giới thiệu. Có một điều tôi phải nói thật là cách đây vài tháng, mong muốn đóng góp cho công việc chung tự nhiên chùng xuống. Nhưng khi tôi lên chức ông nội, nhìn thằng cháu nội tự nhiên trong lòng mình có cái gì đó thôi thúc khiến mình cứ nghĩ mãi. Cháu nội mình sẽ sống trong xã hội như thế nào, những điều kiện gì? Tự nhiên có điều gì đó nó thôi thúc mình, làm nóng mình và khi được giới thiệu thì mình quyết định nhận.
Từ khi lên chức ông nội thì quyết tâm đóng góp cho sự nghiệp chung lại lớn hơn một chút. Đấy là điều rất thật và hình như là một bản năng.
- Liệu việc ứng cử lần đầu tiên cách đây 5 năm nhưng không thành công có ảnh hưởng tới tinh thần của ông lần này không?
Ông Lê Kiên Thành: Thực ra lại ngược lại. Khi tự ứng cử lần đầu tiên không thành công thì tôi lại vững vàng hơn bao giờ hết. Tự ứng cử mình biết tới 90% là mình không trúng bởi thực tế là xã hội mình có một thói quen là những người đã được các tổ chức thẩm tra, giới thiệu thì đáng tin cậy hơn. Thứ hai những người đang làm trọng trách gì đó đại diện cho người dân thì khi có việc gì đó nhờ đến họ thì cũng dễ giải quyết hơn. Tư duy này đã ăn sâu vào nhiều tầng lớp quần chúng.
Bên cạnh đó, cơ hội thuyết phục cử tri của mình không được rộng rãi lắm, thời gian vận động không được dài, đối tượng tiếp xúc không nhiều.
Nhưng ở thời điểm tự ứng cử sự quyết tâm làm tôi tự tin đến độ khi có người hỏi là chỉ có 10% mà anh cũng dám. Tôi chỉ nói là để làm một việc tốt thì 5% cũng đáng, 10% là hơi nhiều. Khả năng không thành công nằm trong dự định của mình rồi nhưng theo như tôi biết tôi cũng được tỉ lệ bầu là 49,6%, tức là cứ 2 người thì 1 người bầu cho tôi, thế là quá nhiều rồi.
![]() |
Ông Lê Kiên Thành (áo trắng) tại Tòa soạn VietNamNet hôm 16/12/2010. |
Lần này thì tôi lại hơi băn khoăn một chút, đã được chọn mà lại không trúng thì có vẻ gì đó không đúng với sự tin tưởng của người chọn. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng ở đây cơ hội vẫn cao hơn khi mình đã được đề cử, có lẽ từ 10% lên 20%.
- Vậy ông có thể rút ra được những kinh nghiệm gì từ lần trước?
Ông Lê Kiên Thành: Về kinh nghiệm tiếp xúc cử tri thì phải nói với họ những suy nghĩ thật và những suy nghĩ thật đó phải gắn với những vấn đề họ đang quan tâm hàng ngày.
Tôi còn nhớ một cử tri tại quận Thủ Đức có nói rằng có một con đường gần đó thôi mà qua ba cuộc bầu cử, ba đại biểu hứa mà đến giờ vẫn không làm được. Họ hỏi: "Anh có dám đứng trước mặt chúng tôi và hứa rằng nếu anh trúng cử thì con đường đó sẽ làm xong không?"
Tôi trả lời: "Nếu muốn được sự ủng hộ từ các cử tri thì tôi sẽ nói là có, nhưng thực tế tôi biết là tôi sẽ không thể nói có được và có chăng nếu tôi trúng thì tôi hứa với cử tri là sẽ làm việc với tất cả các ban ngành phải nói cho bằng được thời gian hoàn thành con đường này, là một năm, hai năm hay ba năm, năm năm nhưng phải nói thật cho người dân biết."
Tôi nhớ là khi tôi nói mọi người vỗ tay. Không nên nói dối hay hứa suông với dân vì nếu mình có trúng, sau này mình có thể viện ra những lý do, những cái cớ thì họ cũng không làm gì được mình cả. Nhưng thật sự mình không nên làm thế, không nên nói như vậy.
Tiếng nói của nhân dân chứ không phải doanh nhân
- Nếu giả sử tôi là một cử tri trong khu vực của ông, ông chỉ có khoảng 3 phút để thuyết phục tôi thì ông sẽ nói những ý gì?
Ông Lê Kiên Thành: Thực ra chương trình hành động có quy định một đại biểu được nói trong 7 phút chứ không phải 3 phút, người ta giới hạn từ 7-10 phút.
Đợt này trong chương trình hành động của tôi có mấy điểm tôi muốn làm đó là:
Thứ nhất tôi muốn nhà nước mình phải đưa nhiệm vụ chống thất nghiệp lên một mục tiêu cao. Tất cả những tiêu cực xảy ra trong xã hội hiện nay ghê gớm như vậy ví dụ như mẹ có thể bán con, bạn có thể giết bạn...phần lớn đều do thất nghiệp mà ra.
Nhưng mà trong xã hội mình thì không rạch ròi ra được người nào là người thất nghiệp và người nào là không thất nghiệp. Ở các nước khác có chính sách rõ ràng, người thất nghiệp được huởng trợ cấp từ Chính phủ nên Chính phủ phải nỗ lực tạo công ăn việc làm để giảm bớt gánh nặng trợ cấp đó.
Điểm thứ hai là khi nói về giáo dục, phải làm sao người Việt Nam không ai mù chữ đã rồi mới nói tới những vấn đề cao siêu. Sự chênh lệch trình độ học vấn mới làm phân hoá xã hội sâu sắc hơn, mạnh mẽ hơn là sự chênh lệch giàu nghèo.
Cuối cùng là chúng ta cần có kế hoạch xây dựng "nông thôn mới". Đây là vấn đề liên quan đến 80% người dân VN. Hiện nay chúng ta có những đô thị mới, thành thị mới nhưng ở nông thôn, cuộc sống của họ ngoài cái TV ra, còn cách sống 100 năm nay vẫn vậy.
- Những gì ông vừa nói chủ yếu là đặt người nông dân, người nghèo làm trọng tâm nhưng cử tri của ông ở những khu vực mà đời sống của họ cao hơn thì ông nghĩ như thế nào? Liệu họ có thực sự quan tâm đến vấn đề này hay không? (Một trong các khu vực bầu cử của ông Thành là Quận 7, nơi có khu đô thị Phú Mỹ Hưng được mệnh danh là khu đô thị dành cho người giàu - PV)
Ông Lê Kiên Thành: Hiện tại thì tôi không có con số thống kê đầy đủ nhưng tôi nghĩ là những người không quan tâm đến vấn đề này chỉ khoảng 5% thôi.
Ở Quận 7, nếu đi trên con đường to sau đó rẽ vào con hẻm nhỏ, tôi nhớ năm 1975 khi mới vào đây thế nào thì bây giờ vẫn thế. Tôi cảm nhận là cuộc sống 30 năm sau ko có gì thay đổi. Khi đi trên đường thì thấy đèn, quảng cáo nhưng khi rẽ vào 1 làng nào đó thì cuộc sống sẽ khác.
Nhiều ngưởi hỏi tôi là anh đại diện cho lớp doanh nhân thì anh sẽ nói gì cho lớp doanh nhân. Trong quá trình tham gia góp ý, xây dựng luật pháp, có những vấn đề vì mình là doanh nhân nên mình hiểu thì tôi sẽ đóng góp ý kiến. Nhưng còn khi đã tự nguyện đứng vào Quốc hội thì tôi đang nói tiếng nói của nhân dân. Như vậy mới có ý nghĩa.
Nếu trúng cử, sẽ bỏ tiền làm văn phòng tiếp dân
- Dường như trong dư luận, người dân cảm giác là ĐBQH, quan chức hoặc những người được coi là đại diện của nhân dân nhưng có chút gì đó hơi xa cách với người dân thì ông cảm thấy như thế nào? Nếu trúng cử, ông có định xây dựng cho mình hình ảnh một ĐBQH gần gũi với người dân không?
Ông Lê Kiên Thành: Có. Nếu trúng cử ĐBQH thì tôi sẽ tạo 1 văn phòng làm việc riêng bằng tiền của mình để cho người dân đến trình bày nguyện vọng, ý kiến.
- Như vậy dự định của ông là sẽ xây dựng 1 văn phòng, sẽ tự bỏ tiền ra để thuê nhân viên để tiếp xúc người dân và giải quyết những thắc mắc của người dân. Nhưng liệu ông có sắp xếp được thời gian hay không vì 1 doanh nhân thì rất bận rộn?
Ông Lê Kiên Thành: Tôi nghĩ công việc của 1 doanh nhân rất bận nhưng phải làm việc thông mình, đừng có sa đà, ôm đồm. Khi anh là người đại diện thì anh phải là người ở giữa điều hoà những mâu thuẫn.
Anh phải có khả năng tự tin làm được điều đó, anh phải biết dựa vào điều gì để xử lý những vấn đề đó. Còn anh đừng biến anh thành ông trọng tài chung cho xã hội vì anh không thể làm đc chuyện đó.
- Ông đánh giá như thế nào về phong cách của ĐBQH hiện nay? Các quan chức, các nhà ngoại giao, các chính khách nước ngoài khi xuất hiện trước công chúng thì họ có 1 phong cách rất thu hút. Chẳng hạn thời gian vừa rồi rồi trên Internet xôn xao clip Tổng thống Nga Medvedev nhảy trong 1 bữa tiệc làm cho người dân thấy những quan khách này không quá cao xa như họ nghĩ. Vậy thì theo ông, chính trị gia Việt Nam có nên tạo 1 phong cách gần gũi và cuốn hút hơn không?
Ông Lê Kiên Thành: Tôi nghĩ rằng con người ta có 2 phong cách: phong cách cá nhân và phong cách vị trí của họ. Phong cách cá nhân là những cái căn bản, con người đó có gần gũi với mình không, có thật với mình hay không. Nếu như anh ko thích cái đó lắm mà anh giả dối làm theo thì chưa chắc đã hay.
Còn khi anh sống thật với mình, tất nhiên khi đã lên 1 chức vụ nào đó thì có những điều mình bắt buộc không được làm. Ví dụ khó hình dung 1 vị Thủ tướng hay Bộ trưởng ngồi ăn thịt chó mặc dù việc ngồi ăn thịt chó là rất bình thường. Vì thế cũng phải hiểu cho họ ở những góc độ khác nhau. Nhưng cũng ko phải vì anh là Thủ tướng mà người ta mời anh 1 cốc nước chè mà anh ko uống.
Theo tôi phong cách hấp dẫn nhất là phong cách của bản thân con người đó cộng với vị thế của con người đó. Cũng 1 động tác nhảy đó, nếu là người bình thường thì họ ko coi là gì nhưng ông tổng thống nhảy thì nó lại hay. Cho nên đó là sự kết hợp. 1 ca sĩ hát hay thì người ta ko trầm trồ gì cả, thế nhưng 1 ông thủ tướng hát ở mức trung bình thôi thì người ta cảm thấy xúc động. Điều quan trọng là mình phải hiểu và đừng gượng ép mình.
Nói thế thôi chứ thực chất phải có 1 trường đào tạo cách ứng xử. Người bình thường có thể lầm lẫn còn người lãnh đạo đất nước nói đùa 1 câu, nói nhầm 1 câu thì không đc. Đó là điều chắc chắn. Nhưng đừng vì quá cẩn thận mà không dám nói, không dám cười, không dám đùa.
- Vậy theo ông, 1 ĐBQH cần phải có những tố chất gì?
Ông Lê Kiên Thành: Tôi nghĩ đó phải là người thực sự quan tâm đến những điều mà người dân đang quan tâm, hiểu được những nhu cầu chính đáng của họ và phải phân biệt được rạch ròi những lợi ích của những tầng lớp khác nhau. Nếu như anh có thể thống nhất đc những lợi ích đó với nhau thì mới đúng vì người bán muốn bán đắt, người mua muốn mua rẻ. Đó là vấn đề muôn đời trong xã hội.
- Theo ông, 1 ĐBQH và 1 lãnh đạo doanh nghiệp có gì giống và khác nhau?
Ông Lê Kiên Thành: Theo tôi tất cả những điều mà ĐBQH làm là hoàn toàn vì người khác chứ không phải vì mình còn doanh nhân khi làm ăn thì vì cả người khác vì cả mình. Có những doanh nhân vì mình nhiều hơn là vì người khác.
Khôi phục lại bản năng hy sinh
- Ông từng nói ông sinh ra trong 1 gia đình mà dòng máu chính trị lẽ ra sẽ là dòng máu chính nhưng hiện nay ông lại đang làm kinh tế tư nhân. Vậy thì truyền thống gia đình ảnh hưởng ntn tới việc ông tham gia công tác chung như thế này? (Thân phụ ông Lê Kiên Thành là cố Tổng Bí thư Lê Duẩn - PV)
Ông Lê Kiên Thành: Trước đây bố tôi có kể 1 câu chuyện mà tôi nhớ mãi. Khi bố tôi còn nhỏ thì bà nội của tôi có kể câu chuyện rằng khi bà còn nhỏ, bà đi qua nhà hàng xóm thấy có luộc 1 nồi khoai lớn thì bà nghĩ trong đầu là không biết bao giờ nhà mình mới có nồi khoai to như thế để ăn. Bố tôi khóc và từ đó ông thấy là cứ nhìn thấy người nào nghèo là thấy bóng dáng mẹ mình trong đó và ông đi làm cách mạng vì những người nghèo, vì chính mẹ mình.
Vì vậy mà tôi nói chuyện về người nghèo thì lý do là 1 phần ở trong câu chuyện này. Nói thế để hiểu truyền thống gia đình ảnh hưởng tới tôi như thế nào.
- Ông học hỏi đựơc điều gì từ phong cách lãnh đạo của cha mình?
Ông Lê Kiên Thành: Bố tôi đã trải qua những điều quá khắc nghiệt trong cuộc đời, bao nhiêu năm tù đày rồi bị tra tấn. Từ đấy đã hình thành nên nhân cách mà nếu không trải qua thì rất khó có được.
Cái khó nhất là sự hy sinh mà tôi sợ là trong quá trình làm ăn, tính hy sinh giảm mất rồi. Khi mất đi tính hy sinh thì tôi đã mất đi khả năng làm quan chức vì xác định làm quan chức thực sự là phải xác định hy sinh. Đến bây giờ mình phải phục hồi lại, khơi dậy lại thì có lẽ mình mới làm cái gì tốt được.
- Xin cảm ơn ông vì buổi trò chuyện cởi mở này!
- 27/05/2011 07:58 - 3 nghệ sĩ ứng cử đại biểu HĐND TP đều trúng cử
- 22/05/2011 13:52 - Truyền hình trả tiền: Cơ hội cạnh tranh và phát tr…
- 21/05/2011 07:28 - Lật nhà hàng nổi 2 tầng, hàng chục người thương vo…
- 18/05/2011 08:03 - Lạm phát năm 2011 có thể cao hơn 15%?
- 17/05/2011 09:09 - Không khuyến khích tặng quà cho cử tri
- 14/05/2011 08:34 - Cử tri lo ngại vật giá leo thang
- 12/05/2011 08:13 - Gắn bó mật thiết và lắng nghe dân- điều mong mỏi c…
- 12/05/2011 08:07 - Chương trình hành động của ứng viên Đại biểu Quốc …
- 09/05/2011 07:50 - Tập trung chỉ đạo toàn diện để thực hiện thật tốt …
- 06/05/2011 07:58 - Thủ tướng: 'Việt Nam vẫn là nước nghèo'