Công Ty Cổ Phần Truyền Hình Cáp Sông Thu

Hàng lậu, kém chất lượng tràn về chợ

Email In PDF.

TT - Cùng với lượng hàng hóa dồi dào được các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng để phục vụ tết, thời điểm này cũng là dịp làm ăn của giới kinh doanh hàng lậu, sản xuất hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Hàng lậu bao gồm quần áo, vải vóc, bánh kẹo, thực phẩm đóng hộp... mới bị bắt giữ giữa tháng 12 được để tại kho của Đội quản lý thị trường số 2 (Hà Nội) - Ảnh: P.Phương

Ghi nhận ở các chợ đầu mối tại TP.HCM và Hà Nội cho thấy nhiều mặt hàng không nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng không được kiểm soát... bắt đầu xuất hiện tràn ngập.

TP.HCM: hàng hóa bán chung với... ruồi nhặng

Lượng hàng hóa phục vụ nhu cầu trong dịp tết đổ về các chợ đầu mối trên địa bàn TP.HCM cũng như xuất đi các tỉnh bắt đầu tăng lên, nhộn nhịp hơn. Thực phẩm chế biến “nóng” nhất trong những ngày này là lạp xưởng và khô các loại. Tại chợ đầu mối Bình Tây (Q.6), các loại đồ khô như tôm khô, mực khô, khô bò, cá khô và lạp xưởng... được chất đầy trong những thùng cactông nồng nặc mùi vương vãi cả ra nền đất, ngay bên cạnh sạp tiểu thương hối hả đóng gói vào những bịch nilông to để vận chuyển đi các tỉnh.

“Biến” thịt heo thành thịt đà điểu

Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Công an TP.HCM (PC49) vừa kiểm tra và phát hiện các nhân viên của cơ sở kinh doanh Tấn Phát - địa chỉ 460/6/9 hương lộ 2, P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân - đang chế biến thịt heo để đóng gói thành phẩm ghi nhãn là thịt đà điểu.

Tại hiện trường, đoàn kiểm tra ghi nhận có 420kg thịt heo giả thịt đà điểu, 50kg mỡ heo trong tình trạng dơ bẩn, khoảng 30kg trứng gà non, 30kg thịt trăn không có giấy chứng nhận kiểm dịch cùng nhiều sản phẩm thủy hải sản khác với tổng khối lượng khoảng 2 tấn. Trên gói thành phẩm của cơ sở ghi nhãn là “Philê đà điểu - Trang trại chăn nuôi Khánh Hòa” kèm hai dòng chữ “thực phẩm của thời đại” và “công ty TNHH một thành viên” nhưng không ghi là công ty nào.

N.TRIỀU

Phần lớn các loại lạp xưởng không có bao bì, nhãn mác nhưng theo các thương lái, việc đóng gói như vậy sẽ giúp vận chuyển dễ hơn, sau đó có thể chia nhỏ hơn theo nhu cầu của khách. Lạp xưởng bày bán ở chợ chủ yếu của cơ sở nhỏ, buộc thành từng chùm phơi giữa sạp mặc cho bụi bẩn và ruồi nhặng.

Giá các loại lạp xưởng cũng khá đa dạng từ 120.000-150.000 đồng/kg, tăng gần 10.000-15.000 đồng/kg so với tháng trước, riêng khô mực lên đến 450.000-500.000 đồng/kg, khô bò 420.000-450.000 đồng/kg...

Theo chị Hà - tiểu thương chợ Gò Vấp (Q.Gò Vấp), ngày thường lạp xưởng bán theo dạng hàng xá cho các tiệm làm bánh, cơm bình dân... đến dịp tết người tiêu dùng mới mua nhiều. Riêng mặt hàng khô các loại, theo một số tiểu thương tại chợ thì do gần tết cộng với tôm Cà Mau, Trà Vinh năm nay được mùa nên về nhiều hơn so với mọi năm.

Tại chợ An Đông (Q.5) có thêm một số loại thực phẩm cung ứng ra thị trường như ram rim, cá cơm khô, tôm chua... Ram được rim chua ngọt đựng trong các hộp nhựa. Khi được hỏi về xuất xứ và thời hạn sử dụng, một tiểu thương tại đây ấp úng: “Hàng do công ty trong thành phố chế biến nên anh muốn để bao lâu cũng được?!”.

Hà Nội: tràn lan hàng không rõ nguồn gốc

Theo ghi nhận tại các chợ đầu mối, nhiều loại bánh kẹo, hạt hướng dương, hạt dẻ... không nhãn mác, đơn vị sản xuất, hạn sử dụng... đang được bày bán tràn lan. Một số loại hàng được đóng gói nhưng cũng chỉ ghi tên cơ sở sản xuất mà không có địa chỉ cụ thể, có hạn sử dụng nhưng không có ngày sản xuất. Một số tiểu thương tại chợ Đồng Xuân cho biết nhiều loại bánh kẹo có thể để cả năm.

Sau khi khảo sát một vòng tại các chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm..., chị Khánh Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm phục vụ tết năm nay khá phong phú, mẫu mã đẹp và giá khá mềm. Tuy nhiên, chị Vân cho biết không dám mua các sản phẩm này vì chẳng biết hàng hóa ở đâu, chất lượng thế nào...

“Phần lớn các sản phẩm không nhãn mác này là hàng Trung Quốc, số khác là hàng gia công trong nước. Rẻ thì có rẻ thật nhưng mua về sử dụng nếu xảy ra sự cố thì mình lãnh đủ, nên tôi đã quyết định chọn hàng trong nước có nhãn mác dù giá đắt hơn 30%...”, chị Vân nói.

Không riêng bánh kẹo, những mặt hàng như mực, tôm, măng khô, mộc nhĩ, nấm hương, hàng đông lạnh đóng gói... không ghi xuất xứ cũng được bày bán nhiều. Anh Quế, một nhà cung cấp thực phẩm và rau củ (Đông Anh), cho biết nhiều mặt hàng được bày bán tại các chợ đầu mối ở Hà Nội chủ yếu là nhập từ Trung Quốc.

Ông Lưu Bách Chiến - đội trưởng Đội quản lý thị trường số 2, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội - cho biết hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc có xu hướng gia tăng trong thời điểm hiện nay, trong đó hầu hết các vụ được phát hiện phần lớn là hàng thực phẩm. Ngoài ra, cơ quan quản lý thị trường cũng phát hiện hàng loạt vụ vận chuyển, kinh doanh hàng mà chủ hàng không xuất trình được hóa đơn ghi nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng.

N.BÌNH - DŨNG TUẤN - P.PHƯƠNG

 


Tin mới hơn:
Tin trước đây:

 

Lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm này15
mod_vvisit_counterHôm qua967
mod_vvisit_counterTuần này3757
mod_vvisit_counterTuần trước7283
mod_vvisit_counterTháng này13785
mod_vvisit_counterTháng trước37638
mod_vvisit_counterTất cả4012696