Công Ty Cổ Phần Truyền Hình Cáp Sông Thu

Làm phim hay... "làm tiền"?

Email In PDF.

Không ít người làm phim, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, đã chấp nhận làm phim bằng mọi giá, đã thực hiện đúng phương châm: "Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi".

Thời gian qua, công luận rộ lên về tình trạng bát nháo của phim Việt (đặc biệt là phim truyền hình chiếu "giờ vàng"), tất cả đều xác đáng- mà một tít phụ của báo Tuổi trẻ TPHCM đã thâu tóm được chỉ bằng hai chữ: "Nhảm nhí".

Lợi nhuận, lợi nhuận và lợi nhuận

Nhiều ý kiến đã phanh phui thực trạng cũng như nguyên nhân của tình trạng này. Có điều, một sự thật hiển nhiên mà chắc nhiều người cũng biết, song không nói trắng phớ ra: Đấy là người ta không làm phim, nghĩa là không làm văn hóa, mà là "làm tiền" một cách trắng trợn! Người ta đã làm tiền một cách thiếu sòng phẳng, không lương thiện, vô tình hoặc cố tình đánh cắp thời giờ, tiền bạc, lòng tin... của đông đảo khán giả.

Nhưng thực ra, cái thực trạng đáng xấu hổ này đã được ủ mầm bệnh từ 20 năm trước. Đến bây giờ có điều kiện mới bung ra tất cả sự bệ rạc của nó. Khi điện ảnh Việt Nam rơi vào cơn khủng hoảng trầm trọng, từng phải lên tiếng SOS thảm thiết, cũng là lúc xuất hiện hàng loạt phim "mì ăn liền" mà chưa cần xem phim, chỉ riêng những cái tên phim câu khách cũng khiến những người có ít nhiều học thức nhận ra.

Thời kỳ đó, thậm chí một ông buôn bán đồ phòng cháy chữa cháy ở chợ giời Huỳnh Thúc Kháng may mắn chộp được ít tiền là cũng nhảy vào sản xuất phim- kể cả viết kịch bản, làm đạo diễn, mua danh và hốt bạc một cách dễ dàng dựa trên sự dễ tính (và cũng dễ bị lừa) của đông đảo người xem.

Việc làm phim thời đó thật tưng bừng nhộn nhạo, "nhà nhà sản xuất phim, người người làm đạo diễn". Phim ảnh trở thành những vụ "áp-phe" béo bở. Nhiều ông "chủ phim" xuất hiện. Những ông "chủ phim" này rất giỏi đánh hơi thị hiếu tầm thường của công chúng, và quả là đã thành công trong việct tiêu diệt những thị hiếu lành mạnh còn sót lại.

Cảnh trong phim Anh chàng vượt thời gian, một bộ phim gây bức xúc cho khán giả vì chất lượng quá tệ.

Người viết bài này từng lang thang phía Nam nhiều năm ròng tìm đường làm phim. Cũng đã từng phải  nhún mình trước những ông chủ phim như thế, nhưng có lần, khi một ông chủ phim ra điều kiện: Không được sửa kịch bản, phải đưa vợ ông ta vào sắm vai chính, thì nổi khùng. Và hắn đã bị ông chủ phim đó khinh miệt ra mặt: "Anh không làm thì thôi! Loại đạo diễn thất nghiệp như anh từ ngoài Bắc vào nhiều như chó con!"

Làm khổ độc giả bằng câu chuyện cũ rích như vậy, là để từ chuyện làm phim "mỳ ăn liền" kia, khi liên hệ với chuyện làm phim nhố nhăng hiện tại, chúng ta dễ dàng nhận diện những ông chủ phim kiểu mới.

Họ bây giờ là những ai? Đó là những công ty truyền thông, những hãng phim tư nhân mà mục tiêu chủ yếu trong hoạt động là lợi nhuận, lợi nhuận, và lợi nhuận. Còn những thứ khác như nội dung giáo dục, vì tương lai thế hệ trẻ, vì thuần phong mỹ tục, v.v. chỉ là những thứ trang kim dán bên ngoài để dễ dàng trôi qua kiểm duyệt, để nhanh chóng được nghiệm thu sản phẩm (dĩ nhiên là phải kèm thêm khoản "hoa hồng" hoặc phong bì lót tay hậu hĩ!)

Xã hội hóa hay là bán "cả hồn lẫn xác" cho tư nhân?

Khoảng 6 năm trước, khi được Nhà nước cho phép, các hãng phim tư nhân mọc lên như nấm sau mưa. Các công ty cổ phần hay trách nhiệm hữu hạn làm truyền thông quảng cáo cũng mau chóng bổ sung chức năng làm phim. Lúc đó, Trung tâm dịch vụ và quảng cáo truyền hình (TVAD) Đài THVN đã tổ chức một cuộc gặp mặt hoành tráng với các cơ sở sản xuất phim tư nhân toàn quốc, mở đầu cho giai đoạn xã hội hóa phim ảnh.

Thực ra từ trước đó cũng đã có sự xã hội hóa bằng cách Đài THVN "bán cái" một số chương trình Saw game truyền hình cho tư nhân thực hiện. Rồi tiến tới, mật ngọt chết ruồi, đến ngay cả Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) - một cơ sở làm phim truyện truyền hình lớn nhất nước cũng "bán cả hồn lẫn xác" việc sản xuất phim cho tư nhân. Và thời kỳ hoàng kim của VFC trở thành niềm tiếc nuối của không ít khán giả truyền hình khi "Văn nghệ chủ nhật" đã nhường chỗ cho một chương trình lạ hoắc và "lông bông" (nhận xét của một người xem truyền hình).

Dựa trên một chủ trương đúng đắn (cần phải có 70% phim nội địa), dòng phim "mỳ ăn liền" đùng đùng sống dậy đã tác yêu tác quái các kênh truyền hình cả nước, và chễm trệ tại "giờ vàng" của VTV quốc gia!

Bên điện ảnh, phim nhựa cũng rơi vào tình trạng bị mua đứt bán đoạn tương tự, đến nỗi người xem phim vào rạp có cảm tưởng phải buộc xem những post quảng cáo kéo dài. Buộc xem trình diễn thời trang. Buộc mở những  trang web cá nhân xa lạ xem nam thanh nữ tú lộ hàng nóng khiến người xem đỏ mặt.

Thực ra, ngay cả những phim truyền hình chưa đủ tiêu chuẩn để được gọi là "mỳ ăn liền" cũng đã mang những yếu tố của "mỳ ăn liền" đích thị. Vì không có trường quay, kinh phí quá bèo bọt, nên một số phim truyền hình quay kéo dài hàng tháng trời đã mang tiếng là lừa đảo những chủ nhà cho thuê mượn bối cảnh (bởi hứa hẹn là chỉ quay có vài ngày!)

Những người tham gia làm phim thì mắt trước mắt sau ngốn cho xong tiến độ để còn chạy sô phim khác. Còn diễn viên (trừ một số ít người đứng tuổi) thì mắt nhắm mắt mở cầm cuốn kịch bản phân cảnh đọc, mà chẳng cần biết đầu cua tai nheo thế nào, nhăn nhó năn nỉ với trợ lý: "Nhắc thoại tý!". Nhưng "một tý" ấy kéo dài hết cảnh này sang cảnh khác.Người xem phim, cuối cùng chỉ có ấn tượng rằng: Đấy là những người lớn đang "tập nói" tiếng Việt!... Thực trạng của chuyện làm phim ở Việt Nam cũng có thể coi là một thứ phim truyền hình dài tập không có hồi kết.

Phim giờ vàng nên chất lượng sặc mùi thương mại

Vì sao mà phim Việt trở thành nỗi thất vọng, làm đau đầu nhiều người hiện nay? Xin thử tháo gỡ và phân tích từng công đoạn:

1. Được các nhà đài bật đèn xanh, các công ty sản xuất phim tư nhân năng nổ kêu gọi các nhà tài trợ (thường là những cơ sở sản xuất kinh doanh muốn quảng cáo sản phẩm trên truyền hình)- bằng các dự án phim truyền hình dài tập. Nghĩa là, nhà đài cho phép đổi phim lấy quảng cáo. Còn công ty sản xuất phim bắt đầu đi thuê mướn đội ngũ làm phim, với hình thức "cò kè bớt một thêm hai", và tất nhiên họ sẽ ngã giá với những ai có khả năng thực hiện nhanh nhiều tốt rẻ và chấp thuận những điều kiện có lợi nhất cho họ.

Những người đổ tiền vào để quảng cáo (trong phim và ngoài phim) chỉ chăm chăm xem sản phẩm của mình có làm "thủng mắt thủng tai" người xem hay không. Ngay cái khâu đầu tiên này đã sặc mùi thương mại, chẳng thèm đếm xỉa đến nội dung tư tưởng nghệ thuật gì hết trọi, nếu còn mong phim có giá trị nhân bản sâu sắc hay nghệ thuật cao siêu thì thực là ảo tưởng.

2. Người làm phim (thường do đạo diễn, hoặc đối tác trung gian đứng ra nhận thầu), khi cầm đồng tiền tạm ứng làm phim thì phải so đo đong đếm để "gọt giày vừa chân". Chưa kể, người làm phim trong khi lo xoay sở chuẩn bị tiền kỳ, lại phải đối phó với trung gian đương tìm mọi cách bớt xén phần kinh phí vốn đã quá èo uột... Nhưng không chấp nhận thì đạo diễn thất nghiệp và "chợ người làm phim" chờ việc đang nhan nhản ra kia ở cổng các hãng phim lớn nhỏ.

Không ít người làm phim, trong cuộc cạnh tranh khốc liệt, đã chấp nhận làm phim bằng mọi giá, đã thực hiện đúng phương châm: "Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". Trong dân gian lâu nay vẫn lưu truyền câu nói của bố mẹ với con cái: "Nếu con mà lười học, dốt nát, mai kia sẽ cho làm đạo diễn phim truyền hình!".

Phải chăng câu nói đó có cơ sở thực tế là những đạo diễn truyền hình, đạo diễn điện ảnh kiểu này đang xuất hiện nhan nhản trên thương trường phim ảnh? Chỉ cần có những mối quan hệ hữu hảo, gia đình biết chi đẹp, là dễ dàng được cầm cờ làm đạo diễn, hô diễn hô cắt máy rất oai, để vênh váo với bạn bè Hơn thế, có thể "hòa vốn" hoặc có lãi to chưa biết chừng trong cuộc mua bán hư danh.

3. Nhưng xét cho cùng, nếu những thứ phẩm của điện ảnh- truyền hình bị chặn lại bởi hệ thống duyệt và phát hành đúng nghĩa thì đã không xảy ra chuyện dở cười dở khóc, khiến bao người phải phí công sức để than phiền, phẫn nộ. Thực chất thế nào? Nhiều ý kiến đã vạch ra quá chi tiết và xác đáng, tôi chỉ xin nói thêm điều này: Tôi thực sự kinh ngạc khi thấy người duyệt phim rất kỹ lưỡng, săm soi từng chi tiết, từng câu thoại mà họ coi là "nhạy cảm".

Song lại tỏ ra thông thoáng dễ dãi đến đáng ngờ trước những sản phẩm nhạt nhẽo, vô duyên, ngớ ngẩn... Bản thân người viết bài này cũng không chỉ một lần là nạn nhân của cái bệnh "cầm đèn chạy trước ô tô", thói "bảo hoàng hơn vua" của những người duyệt phim.

Khi phân cảnh thì được soi rất kỹ từng lời thoại, song khi diễn viên nói ra lại khiến họ sợ dúm, bắt phải cắt, hoặc "hiếp lời" (diễn viên nói một đằng, nhưng lồng tiếng lại một nẻo!) Có những phim bị cắt đến không còn ra hình thù gì, cả khi phát sóng khiến là đạo diễn mà không dám xem lại phim của mình nữa.

Hệ lụy của tất cả những điều nói trên không chỉ là làm mất lòng tin của số đông khán giả với truyền hình- điện ảnh nước nhà, làm lãng phí công sức, thời gian tiền bạc của biết bao người. Nó còn góp phần đắc lực tạo ra sự lệch lạc méo mó trong thị hiếu thẩm mỹ của người xem. Tạo ra nguy cơ "trống rỗng văn hóa" như một số nhà hoạt động văn hóa xã hội nước ngoài đã cảnh báo từ nhiều năm trước.

Người viết bài này đã tẩy chay những "phim mỳ ăn liền" khiến mình bội thực sự thất vọng, bội thực nỗi xót xa bằng cách không bao giờ bước tới rạp xem phim. Hoặc lập tức chuyển kênh khi màn hình nhỏ xuất hiện bóng dáng của loại phim này. Và cũng mong cả xã hội nên có thái độ rõ ràng, thay vì cứ kêu ca mà chẳng đi tới đâu. Đó là một thái độ phản ứng khá tiêu cực, nhưng cũng có thể có một tác dụng trước mắt để nếu những nhà sản xuất, nhà tài trợ, người làm phim và người duyệt phim còn tiếp tục coi thường khán giả như thời gian vừa qua, họ sẽ nhận được hậu quả nhỡn tiền.

Bởi mục đích của họ là làm tiền một cách không lương thiện, thì khi không đạt được mục đích, họ sẽ buộc phải chùn tay lại (như việc đình lại bộ phim đang phát sóng dở "Anh chàng vượt thời gian"...). Trong mối quan hệ chằng chịt giữa các công đoạn, các tổ chức để cho ra đời hàng đống phim 'giờ vàng" mà chẳng có vàng trong chất lượng, là những toan tính, những mục đích không vì người xem chút nào, chỉ người xem vô tội là lãnh đủ.


 

 

Lượt truy cập

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterHôm này725
mod_vvisit_counterHôm qua752
mod_vvisit_counterTuần này7149
mod_vvisit_counterTuần trước9175
mod_vvisit_counterTháng này10753
mod_vvisit_counterTháng trước37638
mod_vvisit_counterTất cả4009664