Vở diễn ra đời đúng “điểm rơi phong độ”, bởi nội dung đề cập một vấn đề đang rất “nóng”, ấy là chuyện những cô nàng “danh giá” đi làm nghề bán dâm
Dẫu
tình cờ hay cố ý, việc Sân khấu kịch Phú Nhuận vừa cho ra mắt vở kịch
"Làm…" (tác giả: Chu Thơm, đạo diễn: NSND Hồng Vân) phỏng theo tác phẩm
văn học nổi tiếng "Làm đĩ" của Vũ Trọng Phụng trong thời điểm này là
đúng “điểm rơi phong độ” bởi nội dung đề cập một vấn đề đang rất “nóng”,
ấy là chuyện những cô nàng “danh giá” đi làm nghề bán dâm.
Trên sân khấu,
những nhân vật nữ lưu như đào Xuân (Trịnh Kim Chi), Huyền (Thanh Vân),
cho đến lúc nhẵn mặt quen tên với dân làng chơi, vẫn chưa hết bàng hoàng
lẫn chua xót về sự trượt dốc của đời mình. Luôn
hằn học, khinh chê hạng gái điếm như đào Xuân nhưng chỉ một lần trót dại
đánh mất trinh tiết với người tình đầu, con đường hạnh phúc gia đình
của Huyền đã hoàn toàn bị bít lối.
Bị bật ra khỏi cái nôi an toàn, bơ vơ không một xu dính túi ở nơi đất lạ, cô tiểu thư con một ông phán
đã phải bán thân nuôi miệng. Huyền cũng không ngờ rằng đào Xuân vốn là
một “cô tú” hẳn hoi, chỉ vì bị người yêu quất ngựa truy phong mà đành
lòng ẩn thân nơi lầu xanh. Vở kịch kết thúc bằng cảnh 2 cô gái điếm tựa
vào nhau, bởi họ cùng có một điểm chung, ấy là nạn nhân của một xã hội
đạo đức giả, đàn ông ra ngoài ăn chơi xả láng nhưng về nhà bắt vợ phải…
trinh tiết.
Nghệ sĩ Thanh Vân (trái) và Trịnh Kim Chi trong vở Làm...Ảnh: THANH HIỆP
So với gần 80 năm
trước, khi cuốn tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng ra đời, chuyện “làm đĩ”
bây giờ đã được nâng lên thành một thứ “giá trị” để đua tranh. Những kẻ
đạo đức giả như ông phán, ông tham Kim, ông Tân… so với bây giờ chẳng là
“cái đinh” gì! Những “giống đực” suy đồi bây giờ được gắn những nhãn
mác “đại gia” với đầy đủ những “phụ kiện” sang trọng, sẵn sàng truy cho
tới cùng con mồi mà họ muốn bắt. Một khi cái bẫy được gắn toàn kim tiền
thì khó có người đẹp nào, dẫu chân dài tới đâu, đầu ngẩng cao cách mấy
cũng sẽ gục đổ, vấn đề chỉ còn là thời gian.
Thời gian cùng sự
hội nhập văn hóa trong thế giới phẳng vô hình trung cũng tạo nên một sự
chuyển dịch mạnh mẽ trong quan niệm về trinh tiết. Chẳng những không hề
sợ chiếc đầu heo nào bị cắt tai trả về cha mẹ vợ, những “Xuân”, những
“Huyền” ngày nay còn coi đó là cái vốn lớn trời cho để kinh doanh. “Mất”
hay “còn” là chuyện nhỏ, điều họ quan tâm là bán giá cao hay thấp.
Ở
đây, những giá trị tinh thần như một thứ gì đó được cất ở bảo tàng, sự
ganh đua hơn thua được nhìn nhận qua những thứ vật chất họ sở hữu, biệt
thự, siêu xe, đồ hiệu… Kẻ muốn mua để chơi vui, người muốn bán để kiếm
tiền, quan hệ xác thịt mà nhà văn Vũ Trọng Phụng đã từng gọi là cái điều
hòa tương trợ cho ái tình tinh thần đã bị hậu sinh biến thành một thứ
hàng hóa để bán buôn gần như công khai.
Hai cô gái điếm
Huyền và Xuân trên sân khấu ít nhiều đã để lại cho người xem niềm thương
cảm và sự kính phục. Phải sa chân nhưng họ biết hòa trộn nỗi đau vào
lòng tự trọng, còn giữ được cho xã hội sự rạch ròi trắng đen.
Trong
khi đó, sự tán dương quá mức những giá trị vật chất mà bỏ quên việc
“gia cố” những giá trị tinh thần truyền thống của các phương tiện truyền
thông, cũng như sự suy đồi nhân cách được che đậy bởi những nhãn mác
đáng kính ở những người bề trên, đã vô hình trung đẩy các thế hệ trẻ vào
cách sống lệch lạc, chỉ biết đua đòi vật chất, hưởng thụ, thiếu trách
nhiệm với bản thân và xã hội.
Nếu được sống đến giờ
này, chắc hẳn Vũ Trọng Phụng sẽ không thể không ngơ ngác khi biết rằng
chuyện “làm đĩ” ngày nay không chỉ dành cho những người “trót nhỡ” như
những nhân vật của mình mà đó còn là “nghề tay phải” của không ít những
“chân dài” được xã hội tôn vinh, là “nghề tay trái” cũng của không ít
những tà áo trắng sinh viên danh giá ở các trường đại học.